Tất tần tật kinh nghiệm đi lễ Yên Tử cho người đi lần đầu
Không khó để có được một chuyến đi tới Yên Tử thoải mái, hãy cùng LEAD TRAVEL khám phá những nét đặc biệt ở vùng đất với lịch sử văn hóa – lịch sử lên tới gần nghìn năm tuổi thuộc dãy Đông Triều, Quảng Ninh – đỉnh thiêng Yên Tử.
Yên Tử ở đâu?
Yên Tử là một quần thể văn hóa – tâm linh chùa, đền và khu nghỉ dưỡng tập trung ở dãy núi Đông Triều – thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Từ Hà Nội, du khách chỉ mất từ 2 đến 3 tiếng di chuyển đến Yên Tử, nếu đi từ các tỉnh gần như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đi xe máy.
Du khách đến Yên Tử đông nhất là từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch hàng năm, đây cũng là thời gian tổ chức lễ hội Yên Tử lớn nhất trong năm, ngày khai hội vào mùng 10 tháng Giêng. Nhiều du khách chọn chuyến du xuân đi lễ Yên Tử kết hợp hành hương về đất Phật cùng gia đình và bạn bè tổ chức chuyến du lịch khám phá một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất miền Bắc – Quảng Ninh với nhiều địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, công viên trò chơi cảm giác mạnh Dragon Park, hồ Yên Trung, chùa ba Vàng, chùa Cái Bầu….
Hành trình vãn cảnh chùa Yên Tử
Đến với khu danh thắng Yên Tử, ấn tượng của du khách sẽ như được lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với những dải mây cuồn cuộn khắp núi theo mây trời tỏa xuống, không gian trong lành của cánh rừng nguyên sinh giúp du khách tịnh tâm, thư thả hơn.
Điểm tham quan đầu tiên mà nhiều du khách chọn lựa khi tới Yên Tử là đền Trình nằm ngay trên đường quốc lộ 18 mang ý nghĩa báo cáo, trình diện trước khi vượt 17 km đi tiếp tới chân núi Yên Tử vào bãi gửi xe.
Từ đường quốc lộ 18 vào tới chân núi Yên Tử, du khách sẽ đi qua chùa Suối Tắm và chùa Cầm Thực, chùa Lân – mang ý nghĩa giũ sạch bụi trần trước khi bắt đầu cuộc hành hương lên vùng đất Phật.
Từ bãi đỗ xe, du khách có thể lựa chọn đi xe điện để tới chân núi hoặc đi bộ. Đến cổng Tam Quan và gương Kính Tâm để nhìn lại, thấu lại chân lí “Phật ở trong tâm”, chỉ những ai mê muội, mù quáng mới tìm Phật ở bên ngoài mình. Tiếp đến sẽ đi qua hai bên đường có ao thả cá, những chú cá rực rỡ sắc màu như mời gọi du khách ngắm nhìn. Từ lễ đài Minh Tâm rộng rãi, du khách có thể nhìn ra toàn cảnh các công trình ở Yên Tử, nhất là những ngôi chùa nằm chênh vênh trên sườn núi như chùa Hoa Yên và chùa Bảo Sái.
Du khách tiếp tục di chuyển qua cầu Giải Oan, nơi vào năm 1299 Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành ở Yên Tử, các cung phi đã xin vua quay về nhưng Ngài đã khuyên bảo các cung nữ quay về hoặc an cư lạc nghiệp ở làng Năm Mẫu gần đó, nhiều cung nữ, phi tần đã trầm mình xuống sưới tự vẫn tỏ lòng trung trinh. Xót thương, Thái thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã cho lập đàn Giải Oan cho những oan hồn của các cung nữ, nơi lập đàn hiện nay chính là chùa Giải Oan. Suối Giải Oan là nơi gột rửa bụi trần trước khi lên cõi Phật.
Từ chùa Giải Oan, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng cáp treo lên thẳng chùa Hoa Yên hoặc di chuyển bằng đường núi quan tháp tổ Huệ Quang – nơi chứa một phần xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các vị thiền sư đã hóa ở Yên Tử, di chuyển lên chùa Hoa Yên bằng đường tùng 700 tuổi với những rễ cây bật lên cả mặt đất hoặc qua đường trúc với 2 bên đường là những khóm trúc xanh mướt.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nặng 138 tấn bằng đồng nguyên khối trên đỉnh thiêng Yên Tử
Chùa Hoa Yên là chùa trung tâm, có diện tích lớn nhất ở Yên Tử, du khách có thể lựa chọn nghỉ ngơi dừng chân ở chùa Hoa Yên trước khi xuất phát lên chùa Một Mái – chùa Bảo Sái, càng lên cao đường sẽ càng dốc và nhỏ dần.
Sau khi tham quan chùa Bảo Sái, du khách tiếp tục di chuyển lên khu vực tượng An Kì Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng. Từ điểm thắng cánh này, du khách đã bắt đầu cảm nhận được những lọn mây bồng bềnh theo gió tản ra khắp núi rừng, càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp.
chùa Đồng Yên Tử
Di chuyển thêm hơn 600m nữa là du khách đã lên đến chùa Đồng – ngôi chùa có vị trí cao nhất trên đỉnh thiêng Yên Tử, chùa có chuông và chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng. Nhưng đoạn này đường núi đá rất khó đi, nếu có mưa trơn sẽ rất dễ trượt ngã. Từ chùa Đồng đi xuống chân núi Yên Tử, du khách sẽ được tham quan vườn tháp Vọng Tiêu Cung và chùa Vân Tiêu.
Hành trình leo núi hơn 6km được dốc với các bậc thang cao không phải là dễ, du khách nên lựa chọn di chuyển bằng cáp treo hoặc đường bộ tùy theo sức khỏe.
Chi phí khi đi Yên Tử
Tham quan đi lễ Yên Tử, du khách cần lưu ý một số chi phí dịch vụ dưới đây:
cáp treo Yên Tử
Vé tham quan Yên Tử (mua dưới chân núi hoặc cạnh chùa Giải Oan): 40.000đ/ người lớn, 20.000đ/ trẻ em (7 đến 15 tuổi).
Giá vé cáp treo Yên Tử: vé khứ hồi 2 tuyến 350.000đ (có cả xe điện), chiều xuống 2 tuyến 280.000đ, khứ hồi tuyến 1 (từ Giải Oan đến Hoa Yên) 280.000đ, một chiều 1 tuyến: 200.000đ.
Giá vé tàu điện (từ tượng An Kì Sinh đến gần chùa Đồng) 60.000
Giá các dịch vụ đồ uống, thức ăn trên núi Yên Tử từ chân núi đến gần đỉnh Yên Tử sẽ theo giá gấp từ 2 đến 4 lần. Nếu du khách muốn tiết kiệm, nên chuẩn bị nước uống và thức ăn trước ở nhà tránh bị chặt chém.
Giá vé xe điện từ bãi gửi xe đến cổng Yên Tử: 50.000đ/ lượt (ngày lễ sẽ được miễn phí lượt về).
Giá gửi xe Yên Tử Xe máy 10.000đ, Xe ô tô tùy số chỗ từ 20.000đ – 40.000đ.
Các dịch vụ trên được công ty du lịch Tùng Lâm khai thác, giá vé trên vào mùa lễ hội vẫn được giữ nguyên.
Lưu ý khi đi Yên Tử
Du khách đi Yên Tử cần chú ý chuẩn bị quần áo và các vật dụng cần thiết như ô, mũ che nắng, giày thể thao hoặc giày leo núi (có thể chọn dép), nước uống và thức ăn nhẹ bổ sung thể lực suốt hành trình.
Tiền: mang theo tiền lẻ khi đi lễ chùa công đức và số tiền dự tính, không mang nhiều tránh để kẻ gian nhân lúc đông người chen chúc móc túi, lấy cắp.
Chuẩn bị lễ đi Yên Tử: Yên Tử là nơi thờ Phật, vì vậy, du khách chỉ nên chuẩn bị lễ ngọt, chay tịnh như hoa quả, bánh kẹo… tuyệt đối không đồ mặn, đồ sống.
Nếu đi theo đoàn đông và vào mùa lễ hội, du khách nên lưu số điện thoại nhau để tránh bị lạc, lên tới chùa Đồng vẫn có sóng điện thoại Viettel.
Lựa chọn cỗ ăn, nghỉ gần Yên Tử, du khách có thể chọn các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng cách danh thắng từ 4 đến 5 km hoặc ở khu vực thành phố Uông Bí cho thuận tiện đi lại.
Mua đồ đặc sản yên Tử về làm quà, du khách có thể mua các đồ lưu niệm ở ngay dưới chân núi hoặc ở làng hành hương hoặc các món ăn đặc sản như su su, măng trúc, rau dớn rừng, trầu tiên Yên Tử, mơ Yên Tử…
Với những chia sẻ trên về kinh nghiệm du lịch du xuân Yên Tử, chúng tôi hi vọng đã giúp quý khách có thêm những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch sắp tới.
Bạn có muốn chuyến đi Yên Tử không cần lo lắng gì về các dịch vụ liên quan như thuê xe, đặt phòng, lịch trình, đặt vé cáp treo hay đi sao tránh đông khách? Hãy tham khảo ngay CÁC TOUR DU LỊCH CHÙA CHIỀN, LỄ HỘI và gọi ngay chúng tôi theo Hotline 0989 552 520 – 0904 708 218để được tư vẫn các thông tin chi tiết và mới nhất.
Chúc bạn có chuyến đi trọn vẹn cùng gia đình và bạn bè.